Friday, November 17, 2006

9 THÁNG 10 NGÀY
NHỮNG VIỆC CẦN LÀM TRƯỚC KHI MANG BẦU
Gặp bác sỹ phụ khoa.
Bác sỹ sẽ kiểm tra tổng thể hoạt động của các cơ quan sinh dục, dạ con, buồng trứng, vòi trứng... vì đây là những cơ quan sẽ chịu trách nhiệm nặng nề nhất từ khi thụ thai và suốt thời gian mang thai.
Thử máu và tiêm vacxin.
Bạn phải thử máu để kiểm tra lượng sắt trong máu, kiểm tra xem mình có mắc hay đã miễn dịch với những chứng bệnh nguy hiểm cho thai kỳ như: rubeolla, thủy đậu, HIV, viêm gan B... hay không. Ngoài ra bạn phải thử máu để xác định nhóm máu, độ đông chảy máu, kiểm tra yếu tố Rêzut của bạn và của chồng bạn.
Nếu bạn có đủ lượng sắt sẽ tránh được nguy cơ thiếu máu thường gặp khi mang thai. Việc xác định nhóm máu và yếu tố Rêzut cũng rất quan trọng để biết xem em bé tương lai có khả năng nằm trong nhóm nguy hiểm do sự kị nhau của hai nhóm máu của bố mẹ hay không (có nhiều trường hợp trẻ vừa sinh ra đã chết ngay do nằm trong nhóm nguy hiểm do sự không tương thích nhóm máu của cha mẹ). Còn các căn bệnh khác như rubeolla, thủy đậu, HIV, viêm gan B đương nhiên là hết sức nguy hiểm cho sức khỏe của bạn và khả năng sinh con dị tật là rất cao. Riêng bệnh rubeolla nếu bị mắc trong 3 tháng đầu của thai kỳ sẽ sinh con bị tim bẩm sinh và điếc. Nếu chưa được miễn dịch những căn bệnh trên bạn cần phải tiêm chủng. Bạn đừng quên một điều là nhất định chỉ được thụ thai sớm nhất là sau 3 tháng kể từ ngày tiêm chủng. 3 mũi viêm gan B được tiêm trong vòng 6 tháng và sau đó cũng phải đợi qua 3 tháng mới được thụ thai.
Xét nghiệm các loại bệnh lây nhiễm qua đường sinh dục.
Tất cả các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như lậu, giang mai, viêm tiết niệu đều ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ thống sinh sản.Nếu bạn không phát hiện và điều trị sớm những bệnh này thì khả năng vô sinh, sinh con di tật, sảy thai và thai lưu là rất cao. Nếu phát hiện ra mình mang bệnh nhất định phải chữa trị và chữa trị cùng với chồng hoặc bạn tình thì mới triệt để và dứt điểm.
4. Kiểm tra hoạt động của tuyến giáp.
Nếu cơ thể thiếu iốt rất dễ sinh con bị thiểu năng trí tuệ nên bạn cần kiểm tra hoạt động của tuyến giáp trước khi quyết định mang thai.
Gặp bác sỹ nha khoa.
Về nguyên tắc bạn hoàn toàn có thể chữa răng khi mang bầu, tuy nhiên trong thai kỳ không nên chụp X quang, hơn nữa trong thời gian này những chiếc răng sâu tai hại dễ gây nhiễm trùng, rất có hại cho bạn và thai nhi.
Gặp các bac sỹ chuyên khoa (nếu bạn mắc những bệnh bẩm sinh, di truyền hoặc mãn tính).
Nếu bạn bị mắc những căn bệnh bẩm sinh, di truyền hay mãn tính hãy tư vấn với các bác sỹ chuyên khoa về chế độ ăn uống, sinh hoạt, những loại thuốc có thể dùng trong thai kỳ để giảm thiểu rủi ro.
Uống vitamin tổng hợp dành cho phụ nữ có thai và cho con bú.
Nhiều bộ phận quan trọng của trẻ được hình thành ngay từ những tuần đầu tiên sau khi thụ tinh nhưng các bà mẹ trẻ chỉ biết là mình có thai và đi khám khi chậm kinh vài tuần thậm chí là lâu hơn. Khi đó thai nhi đã được 4 tuần hoặc hơn thế nữa. Chính vì vậy nên uống vitamin tổng hợp từ vài tháng trước khi thụ thai, nên chọn mua những loại vitamin tổng hợp có chứa sắt và axit folic. Nếu trong 3 tháng đầu của thai kỳ các bà mẹ uống vitamin tổng hợp đều dặn sẽ giảm đáng kể khả năng sinh con với các di tật về cột sống.
TÂM SỰ CỦA EVA
CHUYỆN CỦA NHỮNG CHIẾC VÁY
Bạn mặc chiếc váy đó năm lên bảy, nâng niu như cả đời bạn chỉ mong đợi được mặc nó. Với màu xanh táo điểm những chiếc nơ đáng yêu, bạn thảng thốt bước đến cuộc vui. Tuỳ hoàn cảnh, khi mặc chiếc váy ấy lúc bạn thấy mình là công chúa, khi là tên cướp, lúc lại là người máy hay người bán hàng. Chiếc váy không chỉ thể hiện cơ thể non nớt của bạn, mà còn tiềm ẩn bao nhiêu giấc mơ mà ở tuổi đó bạn không thể biết hết được. Đó là biểu tượng của sự vui tươi, đơn giản, chóng quên. Sau này bạn sẽ không mặc lại chiếc váy đó nữa...
Khi 20 tuổi, bạn sẽ chưng diện thật đẹp để “tán đổ” chàng. Đó là mối tình đầu và bạn yêu như thể sẽ không bao giờ còn được yêu ai khác nữa. Bạn mặc bộ váy kiểu “chinh phục” đó và trái tim bỗng nặng trĩu khi hiểu ra rằng bạn thật nhàm chán, cho dù xiêm y có đẹp đến đâu đi nữa thì chàng vẫn sẽ chẳng bao giờ thuộc về bạn. Nhưng không sao hết, đó là rung động đầu đời nên bạn vẫn sẽ ép bông hoa chàng âu yếm gài lên tóc bạn đêm đó và bạn sẽ lưu giữ cuốn sổ chàng để quên trong túi bạn. Đó là bài học chiến thắng đầu tiên của bạn. Nhưng bạn chỉ mặc chiếc váy đó một lần thôi.
Khi bạn 23, bạn chải chuốt cho bữa tiệc đính hôn. Chiếc váy làm sao phải vừa vặn, đậm đà như rượu vang vậy. Bạn đứng trước gương tập nhướn mày, cười duyên, chớp mắt, và hình như bạn nhìn thấy trong gương hình ảnh người đàn ông mà bạn yêu và nguyện trọn đời chung sống. Bạn đã sẵn sàng.
Chàng không cầu hôn bạn hôm đó. Thật tủi thân cho chiếc váy. Đêm đó là lần cuối chàng nhìn thấy bạn trong chiếc váy đó mặc dù bạn sẽ còn chung sống với chàng thêm một năm nữa trước khi hiểu ra chàng nặng tình với chiếc váy khác, chiếc váy mà bạn chưa sẵn sàng để mặc. Chàng ra đi mang theo từng nhịp đập của trái tim tổn thương của bạn. Và phải thật lâu sau bạn mới hiểu ra rằng bạn đã rất cố gắng nhưng không không thể quên được chàng. Nhưng nhất định bạn sẽ không khoác lên mình bộ váy chàng muốn.
Ở tuổi 27, bạn được gọi đi phỏng vấn cho công việc mà bạn hằng mong ước. Bạn cầu xin bà chị cho mượn bộ quần áo đẹp nhất của chị ấy. “Hãy giữ gìn bộ quần áo nhé, nếu có sơn móng tay thì phải sơn truớc đấy” – bà chị gái dặn với theo. Bộ quần áo được may thật khéo, là sự hòa quyện tuyệt hảo của sự nghiêm túc và tính gợi cảm nên bạn tin chắc nếu mặc nó bạn sẽ xin được việc. “Hãy nhìn thẳng và tự tin vào bản thân” – bạn tự nhủ. Mặc dù bạn bị trượt, nhưng đổi lại có người trong ban giám đốc của công ty tuyển dụng mời bạn đi ăn tối. Bạn bỗng cảm thấy điều đó còn có ý nghĩa hơn việc được đi làm. Bạn sẽ nhận lời và để thử lòng chàng, hoặc để chế nhạo chính mình, bạn mặc lại nguyên xi bộ quần áo khi đi phỏng vấn. Khi chàng phát hiện ra, bạn không biết nên khóc hay cười, và khi về đến nhà, bạn cho phép chàng hôn mình mà không biết trong hai người ai là kẻ ngốc nghếch. Dù sao, khi trả lại bà chị bộ quần áo đó bạn sẽ mỉm cười.
Bạn cưới chồng năm 29 tuổi. Đó là chiếc váy thứ 12 hoặc 20, hoặc thứ 200 mà bạn đã thử. Thật tuyệt diệu, chiếc váy ngọc ngà màu kem, thanh thoát như đoá hoa nhài, trong như sứ và sáng như đá hoa cương, trông bạn như đoá hoa đang nở rộ. Phải cần đến cả trang giấy để mô tả sự tuyệt vời đó. Khi mặc váy cưới bạn cảm thấy mình là người phụ nữ đẹp nhất trần gian. Cảm giác thiên thần của chiếc váy màu xanh táo năm xưa bỗng ùa về. Hãy quên đi đôi giày bị xước khi bước lên bậc, hãy đi thẳng lưng và thở thật đều. Đi dọc phố, bạn cảm thấy ánh mắt của mọi người dồn cả về phía bạn, các loài chim, những chiếc xe hơi như đều dừng lại nín thở theo từng bước chân của bạn. Bạn lại hụt chân khi bước tới bên chàng, chàng nhẹ đỡ bạn và khi buổi lễ kết thúc, chàng nâng bàn tay bạn lên hôn, một nụ hôn trân trọng. Đó là ngày cưới của bạn.
Bạn nâng niu giữ gìn chiếc váy, bao bọc nó với vô vàn lớp giấy bóng, giấy bóng và lại giấy bóng, cho đến khi chiếc hộp đựng trông như chứa đến 2 chiếc váy vậy. Bạn là người duy nhất mặc chiếc váy đó.
Khi bạn 33, bạn mặc chiếc váy phù hợp cho người phụ nữ chửa 8 tháng. Bạn đang lau chùi lavabô, ngón tay bạn nhuốm vàng bởi bị ngấm nước và chất tẩy rửa, tóc bạn được búi lên bởi chiếc bờm bạn mới tìm thấy hôm qua trong đáy túi. Mắt bạn đỏ ngầu do cơn nghén buổi sớm. Bạn hát theo giai điệu nhạc trên đài, giai điệu bài hát mà bạn ngạc nghiên là mình còn nhớ. Bỗng bạn thấy nhói đau ở phôỉ khiến bạn phải ngồi xuống và khi đó, với cốc nước lạnh trên tay, bạn suy ngẫm liệu đứa bé trông sẽ như thế nào, và bạn cảm thấy mình thật hạnh phúc. Bạn cũng cảm thấy sợ sệt, không rõ đêm qua cơn ác mộng đánh thức bé dậy, hay là do bé tỉnh giấc đạp trong bụng khiến bạn gặp ác mộng. Bạn luôn cảm thấy lo lắng cho đứa con tương lai. Nhưng khi mang thai hình như bạn yêu chồng mình hơn. Bạn sẽ không mặc lại chiếc váy này nữa.
Khi 38 tuổi, bạn bị ốm nặng hơn bạn tưởng. Bạn mua bộ quần áo như để đi dự đám tang của chính mình vậy, chiếc váy sẫm màu, được may đo vừa khít. Đừng nhân rộng cảm giác chết chóc. Bạn phải đi thử máu, và bỗng phải cắt giảm nào là sữa, nào là cà phê, thịt thà, rượu vang, nhiều đến mức bạn cảm thấy cuộc sống thật vô vị. Con trai bạn rất sợ mẹ bị ốm. Rồi con bạn sẽ vượt qua nỗi sợ hãi ấy, và một đêm nọ bạn thấy nó nằm co tròn ở cuối giường của bạn. Bạn cảm thấy thương con vô hạn và quyết tâm phải bình phục thật nhanh. Bạn vứt bộ quần áo đó đi.
Khi bạn 41 tuổi, bạn đưa mẹ về nơi an nghỉ cuối cùng. Hôm nay bạn diện bộ quần áo màu tím, đi cùng với chiếc bờm màu hồng của mẹ. Bạn không rõ ai nằm trong chiếc quan tài vừa đi ngang qua, nhưng rõ ràng đó không phải là mẹ bạn. Đừng ngạc nghiên khi mỗi người đau buồn theo một kiểu. Và cũng đừng ngạc nghiên khi bỗng thấy mình dửng dưng. Bạn đừng buồn khi những người bạn lớn tuổi của cha mẹ cau mày nhìn bạn và chị gái trong bộ đầm hoa sặc sỡ. Cho tới giờ bạn vẫn đinh ninh mình mặc bộ quần áo đó để chiều lòng mẹ. Dù sao bạn vẫn là đứa trẻ không biết ăn mặc như mẹ từng nói. Bạn sẽ tặng bộ quần áo này cho một ai đó .
Khi bạn 65 tuổi, bạn sẽ làm vườn trong bộ đồng phục năm xưa của mẹ. Hôm nay là ngày đầu xuân đẹp trời. Chút nữa chắc sẽ mưa nhưng lúc này trời vẫn rất trong xanh. Cháu nội của bạn đang đi học, chồng và con trai bạn đang đi làm, còn bạn thì đang tận hưởng khí trời mát mẻ. Bạn cắt những ngọn cỏ cao đến đầu gối và không ngừng hít thở hương thơm cỏ dại cộng với mùi nồng nồng của đất . Bạn xuýt xoa bên tách cà phê nóng hổi cùng mật ong đặc quánh. Bạn không biết là căn bệnh cũ đang tái phát. Đừng lo cho bộ quần áo, tuy cũ nhưng chất vải tốt lắm. Nó sẽ còn bền lắm, nhưng bạn sẽ không kịp nhận thấy.
Khi chồng bạn về, thoạt đầu anh tưởng bạn đang nằm ngủ trên giường. Một cảm giác thật dễ chịu, thiu thiu ngủ trên giường. Anh cố xua đuổi điều anh bỗng nhận ra. Bạn đã không kịp nhận biết căn bệnh đang tái phát. Đứng trên mặt đất, trong vườn nhà, bạn thật lộng lẫy trong bộ quần áo của mẹ.
Bạn không có con gái để nhường lại tủ quần áo của mình, chỉ có những kỷ niệm gắn liền với từng trang phục đi theo bạn suốt cuộc đời. Hãy nhớ những bộ quần áo bạn từng mặc, nhớ rằng đó là những trang phục đã gắn liền với buồn vui của đời bạn, và bạn là người đã thổi hồn vào cho chúng. Hãy hồi tưởng lại cuộc đời mình trong những trang phục đó và hãy cất tiếng hát. Bài hát về những chuyện buồn vui của những bộ trang phục trong cuộc đời người phụ nữ.
CHUYỆN CỦA NHỮNG CHIẾC VÁY
CHÚNG TA LÀ MỘT GIA ĐÌNH
BẠN ĐÃ SẴN SÀNG CÓ CON CHƯA?
Có con đó là một niềm hạnh phúc vô bờ nhưng cũng là thử thách to lớn đối với những ông bố bà mẹ trẻ. Mời các bạn thử trải qua những cuộc thử nghiệm nho nhỏ sau đây xem mình đã sẵn sàng đón nhận trách nhiệm cao cả và nặng nề ấy chưa nhé!
Đi siêu thị:
Hãy mang theo vài con cún con và mèo con vào siêu thị, vừa chọn hàng bạn vừa phải giữ chúng trong tầm quan sát của mình và sẵn sàng móc hầu bao ra để thanh toán những hư hại do chúng gây ra.
Mặc quần áo:
Thử nhốt một con bạch tuộc to và hiếu động vào lồng sắt và hãy chăm sóc sao cho những cái chân của chúng luôn nằm ở bên trong lồng.
Ăn sáng:
Hãy lấy một cái chai nhựa lớn và đổ nước vào đó đến một nửa chai. Treo cái chai lên trần nhà và lắc cho nó đung đưa. Bây giờ hãy tưởng tượng bạn là một chiếc máy bay mà nhiệm vụ cần thực hiện là đuổi theo và đưa từng thìa bột vào trong miệng chai. Xong chưa nào? Vậy thì bây giờ bạn hãy giữ cái chai lại và đổ toàn bộ những thứ chứa trong đó xuống sàn nhà.
Bài kiểm tra về trí sáng tạo:
a. Hãy lấy một khay carton dùng để đựng trứng, sử dụng kéo và màu để biến nó trở thàng con cá sấu.
b. Bây giờ hãy lấy cuộn giấy vệ sinh và cuốn nó lại thành một cây nến giáng sinh đẹp đẽ. Chỉ được phép sử dụng băng dính và một mẩu giấy bạc.
c. Cuối cùng hãy lấy vỏ bịch sữa tươi, một quả bóng bàn và một lon coca cola rỗng và sắp xếp sao cho chúng trở thành một bản sao đẹp đẽ của tháp Ep phen.
Sự bừa bộn:
Hãy bôi kem sô cô la lên bộ sa lon êm ái và các tấm rèm cửa của nhà bạn.
Đồ chơi:
Hãy lấy bộ xếp hình Lego nặng khoảng 50kg (cũng có thể thay thế bằng số lượng tương đương khuy hoặc cúc bấm) và rải khắp các nơi trong nhà. Hãy bỏ dép ra đi chân không đồng thời bịt mắt lại. Và bây giờ hãy dạo quanh các phòng, ra bếp hoặc vào nhà tắm. Chỉ có điều cần lưu ý, hãy đi thật khẽ thôi nhé, em bé vừa mới thiếp đi đấy.
Ban đêm:
Để làm bài kiểm tra này, bạn cần có một túi thể thao không to lắm đủ để đựng vào đó khoảng 5-6kg cát. Cho túi cát này ngâm trong nước. Đúng 15h00, hãy lấy túi cát ra và bắt đầu nhảy valse cùng nó, đồng thời để khỏi buồn tẻ, nên tâm sự thành tiếng những ý nghĩ chợt đến với bạn. Tiếp tục nhảy đến 21h00. Lúc này bạn đã có thể đặt túi cát xuống sofa và nằm nghỉ ngơi ở bên cạnh. Hãy đặt đồng hồ báo thức vào lúc 22h00. Tỉnh dậy, tiếp tực ôm lấy túi và hát cho nó nghe tất cả những bài hát mà bạn đã từng được nghe. Hết vốn, đừng dừng lại, hãy tiếp tục sáng tác thêm vài ba chục bài nữa và hát chúng đến 4h00 sáng. Đến lúc này bạn đã có thể nghỉ ngơi nhưng đừng quên đặt đồng hồ báo thức vào lúc 5h00. Thức giấc, đã đến giờ chuẩn bị bữa ăn sáng rồi đấy.
Bản trường ca này sẽ được trình diễn hàng ngày trong thời gian ít nhất là 5 năm và bạn lúc nào cũng phải tỏ ra yêu đời và tràn trề hạnh phúc nhé.
Bài kiểm tra thể lực (dành cho phụ nữ):
Hãy lấy một bao đậu nành, treo lên trước bụng và chỉ tháo nó ra sau 9 tháng. Cố gắng đừng để ý đến việc tủ quần áo của bạn đang ngày một đầy lên mà bạn thì còn lâu mới có thể mặc đến chúng.
Bài kiểm tra thể lực (dành cho nam giới):
Hãy đến hiệu thuốc gần nhà, đặt chiếc ví của bạn lên quầy và nói với người bán hàng để họ tự chọn thuốc giúp bạn. Tiếp theo, hãy đến cửa hàng thực phẩm gần đó, tìm người chủ cửa hàng và thỏa thuận về việc kể từ thời điểm đó, tiền lương của bạn sẽ được chuyển khoản trực tiếp cho cửa hàng. Xong việc, hãy mua một tờ báo, đi về nhà và thư thái đọc hết tờ báo. Bạn có thể tin chắc rằng đó là lần cuối cùng bạn được thong thả đọc hết một tờ báo.
10. Bài kiểm tra cuối cùng:
Hãy tìm một gia đình đang có con nhỏ. Hãy thuyết giảng cho họ phải làm những gì để nuôi dạy trẻ em trở nên ngoan ngoãn, ngăn nắp và lễ phép. Đừng quên thêm vào một vài lời khuyên quý giá liên quan đến việc vệ sinh thân thể cũng như văn hóa ứng xử trên bàn tiệc. Hãy khẳng định về tầm quan trọng của việc đưa trẻ vào khuôn khổ. Bạn có quyền tận hưởng khoảnh khắc trang trọng này do tài năng sư phạm tiềm ẩn của bạn mang lại, tuy nhiên hãy tin rằng đó cũng là lần cuối cùng đấy.
Tường Vi
CƯỜI LÊN NÀO!
VỢ MUÔN NĂM!!!

Sinh ra ta là cha mẹ nhưng dạy ta "lớn lên", không ngừng tự hoàn thiện mình là do... vợ! Sau đây là một số lợi ích mà vợ đã mang lại cho ta:

1. Vợ dạy ta tính phục thiện (sẵn sàng nhận lỗi tuy mình không làm gì sai cả!).
2. Vợ dạy ta đức tính kiên nhẫn, chờ đợi không biết mệt (chờ vợ sửa soạn, trang điểm để đi dự tiệc hay mua sắm - thông thường chờ đến mọc râu luôn!...).
3. Vợ dạy ta giữ gìn sức khoẻ (không hút thuốc, nhậu nhẹt với bạn bè gần xa...).
4. Vợ dạy ta sự tế nhị (không bao giờ chê bai cơm khê, canh hơi mặn).
5. Vợ dạy ta tính lễ phép (đi đâu phải nói rõ lý do, giờ giấc nào trở về...).
6. Vợ dạy ta đức tính bao dung, độ lượng, thương người (làm được bao nhiêu tiền đều mang về "tặng" vợ hết!).
7. Vợ là huấn luyện viên thể dục tại nhà của ta (phân công ta làm vườn, nhổ cỏ, giặt quần áo, đổ rác, lau dọn nhà cửa, xách nước, tắm heo...).
8. Vợ dạy ta tính chính trực, đứng đắn, đàng hoàng (ra khỏi nhà cứ thẳng một đường mà đi, không nhìn ngang liếc dọc, nhất là những nơi có nhiều phụ nữ...).
9. Vợ giúp ta trở thành người cha gương mẫu (tắm rửa, cho con ăn, đưa con đi học, đón con về...).
10. Vợ âm thầm dạy ta biết thế nào là giá trị của hai chữ "Tự do"!

Dung C4F sưu tầm
TƯ VẤN DINH DƯỠNG
(Bác sỹ - Ths. Lê Thị Hải
Trưởng phòng khám Dinh dưỡng
Viện Dinh Dưỡng)
H: Thưa bác sĩ, khi nào có thể cho trẻ ăn bổ sung? Bữa ăn của trẻ cần có những loại thực phẩm nào?(Hoàng Tuyên – Hà Nội)
Đ: Khi mẹ đủ sữa thì trong vòng 6 tháng đầu trẻ chỉ cần bú mẹ , khi tròn 6 tháng tuổi mới cần cho trẻ ăn bổ sung. Bữa ăn bổ sung của trẻ cần có đủ 4 nhóm thực phẩm bao gồm : chất đạm, chất béo, chất đường bột, vitamin và muối khoáng.
Chất đạm : Bao gồm các loại thực phẩm như : Thịt, trứng, sữa, cá, tôm...là những đạm động vật có giá trị dinh dưỡng cao, có đủ các axít amin cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, ngoài ra còn giàu các yếu tố vi lượng như : sắt , kẽm, vitamin A, giúp cho cơ thể trẻ khoẻ mạnh, tăng sức đề kháng với bệnh tật, Nên phối hợp đạm động vật với đạm thực vật như đậu đỗ , lạc vừng sẽ tạo nên sự cân đối , giúp trẻ hấp thu và sử dụng đạm tốt hơn.
Chất béo : bao gồm mỡ lợn, gà, bơ, và các loại dầu thực vật : dầu đậu nành, dầu oliu, dầu hướng dương, hạt cải, dầu lạc, vừng(mè)...Chất béo có tác dụng cung cấp năng lượng cao, làm tăng cảm giác ngon miệng lại giúp trẻ hấp thụ và sử dụng tốt các loại vitamin tan trong dầu mỡ như : Vitamin A, D, K, E.., rất cần cho trẻ
Chất bột đường : gạo, khoai, ngô, mì và các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc, đây là nhóm cung cấp năng lượng chính trong bữa ăn của trẻ.
Các vitamin và muối khoáng: có nhiều trong các loại rau xanh và quả chín.
Như vậy một bữa ăn bổ sung của trẻ phải có : bột gạo, thịt ( cá, tôm, trứng, đậu đỗ ...), dầu mỡ, rau xanh. Khi nấu phải băm xay nhỏ cho trẻ ăn cả cái mới đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ.
H: Tôi phải đi làm sớm từ lúc cháu mới được 4 tháng tuổi, không thể về cho cháu bú được. Vậy phải cho trẻ ăn thêm thức ăn gì?(Linh Lan –Đà Nẵng)
Đ: Trẻ mới 4 tháng tuổi thì chưa thể ăn được gì ngoài sữa, vì vậy tốt nhất chị nên vắt sữa ra cốc để ở nhà cho trẻ ăn bằng thìa hoặc đổ vào bình cho trẻ bú. Sữa mẹ khi vắt ra để ở nhiệt độ bình thường trong vòng 2 giờ, còn trong ngăn mát tủ lạnh có thể để được lâu hơn 3 – 4 giờ , nếu để trong tủ lạnh trước khi cho trẻ ăn nên ngâm vào nước nóng cho bớt lạnh. Như vậy nếu chị nhiều sữa chị vẫn có thể nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng, từ 6 tháng trở đi chị cho trẻ ăn thêm bột hoặc cháo xay. Còn nếu chị ít sữa hoặc vắt không ra sữa thì cho trẻ ăn thêm sữa bột công thức dành cho trẻ dưới 6 tháng tuổi mỗi bữa từ 150 – 180ml, pha theo tỉ lệ hướng dẫn trên hộp sữa. Nếu không có điều kiện mua sữa bột chị có thể cho trẻ ăn sữa đậu nành( đậu tương) tự làm lấy hoặc mua tại các hàng bán đậu phụ về đun sôi lại cho thêm 5% đường và dầu cho trẻ ăn mỗi bữa cũng khoảng 150 – 180 ml. Đến khi trẻ được 6 tháng tuổi mới cho trẻ ăn thêm bột hoặc cháo xay và các loại quả chín.
H: Khi mẹ bị ho sốt có thể cho con bú được không?(Tú Hà - Hải Phòng)
Đ: Một trong những lý do mà bà mẹ ngừng không cho con bú là khi bị bệnh vì sợ rằng sẽ lây sang con. Tuy nhiên rất hiếm khi mẹ bị mắc bệnh cần ngừng nuôi con bằng sữa mẹ. Với hầu hết các bệnh nhiễm trùng thường gặp, việc cho trẻ bú không làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho trẻ, các kháng thể trong sữa mẹ chính là sự bảo vệ tốt nhất cho trẻ. Chỉ không cho con bú khi mẹ bị nhiễm HIV, lao tiến triển, suy tim nặng, Basedow đang điều trị thuốc kháng giáp trạng.

TƯ VẤN NHI KHOA
(Bác sỹ - Ths. Bùi Ngọc Lan
Bệnh Viện Nhi TW )
H: Bác sỹ hãy cho em biết những triệu chứng của sốt siêu vi trùng?Khi bé bị sốt siêu vi trùng bố mẹ cần cho uống thuốc gì và chăm sóc ra sao? Sốt siêu vi trùng thì có được uống kháng sinh không ạ?(Thu Nguyệt – Nha Trang)
Đ: Sốt siêu vi trùng hay sốt vi rút thường hay gặp ở trẻ em. Tùy theo loại vi rút gây bệnh mà trẻ có biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, có một vài đặc điểm chung là khi sốt vi rút trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục, mỏi mệt, đau người. Kèm theo có các biểu hiện viêm long đường hô hấp trên như hắt hơi, chảy mũi trong, ho khan. Hoặc các biểu hiện ỉa lỏng, phân không có nhày máu. Khi trẻ bị sốt vi rút, trẻ cần được uống nhiều nước, hạ sốt bằng paracetamol, nước hoa quả hoặc vitamin C. Khi trẻ sốt cao cần nới rộng quần áo, không đắp chăn, và lau người trẻ bằng nước ấm. Cần đề phòng co giật do sốt cao ở trẻ nhỏ. Trẻ cần được khám bác sĩ để chẩn đoán chính xác bệnh và xử trí kịp thời.
H: Thưa bác sỹ, khi trẻ nhỏ bị tiêu chảy nên cho uống thuốc gì?Trẻ đi đại tiện bao nhiều lần 1 ngày là nguy hiểm và phải đưa đi bệnh viện?(Phương Anh – Hồ Chí Minh)
Đ: Trẻ bị tiêu chảy cần được uống ngay dung dịch orezol. Hiện nay thị trường có các loại orezol cam dành cho trẻ em hoặc viên Hydrit. Các loại này pha với 200 ml nước nguội. Cần lưu ý cho trẻ uống từng thìa hoặc từng ngụm một để tránh nôn. Trẻ uống theo nhu cầu hoặc 50 ml sau mỗi lần đi ngoài. Nếu số lượng phân mỗi lần nhiều cho trẻ uống 50 ml/kg/4-6 giờ. Số lượng phân mất khi tiêu chảy quan trọng hơn số lần đi ngoài. Nếu trẻ có biểu hiện mất nước rõ như khát, mắt trũng, da nhăn nheo, môi khô, đái ít, quấy khóc hoặc mệt mỏi không chịu chơi... nên được đưa đến bệnh viện khám và điều trị.
H: Thưa bác sỹ khi trẻ nhỏ dưới 10 tuổi bị cảm có được đánh gió (cạo gió) cho trẻ không?Có nguy hiểm gì cho sức khỏe của trẻ không?Khi trẻ bị cảm nặng tôi nên dùng thuốc gì và chăm sóc như thế nào?(Như Huyền – Gia Lâm)
Đ: Nếu đúng trẻ bị cảm lạnh, đánh gió sẽ có tác dụng tốt. Tuy nhiên, do da trẻ nhỏ mềm mại, dễ bị chấn thương và hấp thu thuốc mạnh khi cọ xát. Trẻ nhỏ chỉ nên dùng lòng trắng trứng luộc và đồng bạc đánh gió. Trẻ lớn có thể dùng rượu hoặc dầu cao. Những trẻ bị sốt cao, đang nghi ngờ nhiễm trùng nặng hoặc sốt xuất huyết không nên đánh gió hoặc điều trị tại nhà. Trẻ bị cảm nặng, có thể dùng các thuốc có chứa paracetamol, vitamin C, uống nhiều các dung dịch bù nước điện giải (orezol). Nằm nghỉ ở nơi thoáng mát, ăn uống đầy đủ và sử dụng những lợi thực phẩm dễ tiêu.
H: Tôi nghe nói hàng ngày nên dùng nước muối sinh lý 9%o để rửa mũi sẽ phòng được các bệnh về đường hô hấp (đặc biệt đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ). Điều đó có đúng không ạ?Và cách rửa như thế nào xin bác sỹ hướng dẫn cho tôi.(Mai Thị Thúy - Đà Lạt)
Đ: Nếu trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, bạn không cần phải rửa mũi cho trẻ hàng ngày. Tuy nhiên, vào mùa hanh khô, hoặc khi trẻ có chất xuất tiết ở mũi, bạn có thể nhỏ 1-2 giọt nước muối sinh lý 9%o ấm mỗi bên cho trẻ, sau đó hút sạch dịch nhày (nếu có) để làm thông thoáng đường thở. Hàng ngày bạn có thể nhỏ mũi như vậy 5-6 lần cho trẻ.
LÀM GÌ KHI TRẺ BỊ SỐT SIÊU VI TRÙNG?
Trong thời gian vừa qua có rất nhiều trẻ em, người lớn bị sốt cao, chảy nước mũi, ho … thường gọi là sốt dịch hay sốt siêu vi trùng (SVT). Trong một năm mỗi trẻ có thể mắc một hoặc nhiều lần do nhiều chủng loại virut khác nhau. Bình thường trong vùng mũi họng của con người virut chiếm khoảng 80% còn khoảng 20% là vi khuẩn có ích, khi gặp điều kiện thuận lợi như thay đổi thời tiết đột ngột, vệ sinh răng miệng không tốt, hoặc khi trẻ nôn trớ mà không cho trẻ uống nước ngay...thì trẻ rất dễ bị sốt SVT hoặc sốt viêm mũi họng. Dịch bùng phát thường xảy ra khi giao mùa như Đông chuyển sang Xuân, Xuân chuyển sang Hè, đang nắng khô chuyển mưa rào…đôi khi dịch còn phát lẻ tẻ trong cả năm.
Triệu chứng ban đầu của sốt SVT thường là ngạt, tắc, chảy nước mũi rồi sốt cao; hoặc sốt cao, rồi mới ngạt, tắc mũi, sau đó mới ho khan hoặc có đờm…Trong cơn sốt trẻ thường nằm mệt li bì, ngoài cơn sốt trẻ lại chơi đùa như bình thường đó cũng là một trong những dấu hiệu tương đối điển hình để phân biệt sốt SVT với sốt nhiễm khuẩn, nhưng dù trong trường hợp nào các bà mẹ cũng nên đưa trẻ đến khám bởi các bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời tránh các biến chứng nặng như viêm mũi họng, viêm V.A, viêm Amidal, viêm phế quản, viêm phổi…
Một số lời khuyên cho các bà mẹ:
Giữ ấm cho trẻ, tránh gió, nước lạnh.
Khi trẻ bị sốt cao hơn 38,50C nên dùng thuốc hạ sốt ngay tránh co giật do phản ứng màng não (nên dùng Paracetamol 100mg sản xuất tại Việt nam rất tốt và có hiệu quả nhanh, liều dùng theo chỉ định của bác sĩ).
Luôn luôn giữ cho mũi thông thoáng và ít xuất tiết (nên dùng Otrivin 0,5% để nhỏ mũi cho trẻ dưới 12 tuổi)
Cho trẻ dùng thêm thuốc chống phù nề niêm mạc mũi họng như a choay, amitase, dansen…,
Vệ sinh răng miệng thật sạch để hạn chế viêm nhiễm bội nhiễm.
Cung cấp nước và điện giải đầy đủ như dùng Orezol, hoặc viên hydryte pha theo chỉ dẫn của bác sĩ khi sốt cao kéo dài.
Cho trẻ uống polivitamine, nước hoa quả các loại, thức ăn dạng lỏng nhiều nước dễ hấp thu như sữa, cháo, súp…để nâng cao thể trạng, sức đề kháng cho trẻ.
Trong trường hợp bị bội nhiễm (trẻ bị đau họng ho kéo dài nặng tiếng, khó thở…) các bà mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay để điều trị kịp thời.

Bác sỹ Nguyễn thị Thanh Tâm
Chuyên khoa Tai Mũi Họng